Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong thế giới kỹ thuật hiện đại nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì, học những môn nào và có những cơ hội việc làm ra sao sau khi ra trường? Tìm hiểu ngay sau đây cùng TopviecIT!
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì?
Trong cuộc cách mạng 4.0 ngày nay, ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu luôn chiếm một vị trí quan trọng. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu các khái niệm về ngành này nhé!
Mạng máy tính là gì?
Mạng máy tính là một hệ thống gồm các thiết bị máy tính và các phương tiện truyền thông được kết nối với nhau để trao đổi thông tin và tài nguyên. Mục đích chính của mạng máy tính là chia sẻ tài nguyên, như máy in, file dữ liệu, ứng dụng và “giao tiếp” giữa các máy tính với nhau.
Mạng máy tính cung cấp các kênh truyền thông, như cáp đồng, cáp quang, sóng vô tuyến hoặc giao thức truyền thông không dây. Nhờ đó, dữ liệu có thể di chuyển giữa các thiết bị trong mạng. Các máy tính trong mạng có thể liên lạc với nhau thông qua giao thức mạng, chẳng hạn như TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol).
Truyền thông dữ liệu là gì?
Truyền thông dữ liệu là quá trình truyền tải thông tin từ nguồn tới đích qua các kênh truyền thông. “Dữ liệu” bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc bất kỳ định dạng thông tin nào có thể được biểu diễn và truyền tải. Trong mạng máy tính, việc truyền thông dữ liệu xảy ra khi gói dữ liệu được tạo ra tại nguồn, chuyển tiếp qua các thiết bị mạng và cuối cùng đến đích mong muốn.
Truyền thông dữ liệu trong mạng máy tính có thể sử dụng các phương pháp truyền thông dây cắm (như cáp mạng Ethernet) hoặc không dây (như Wifi). Các giao thức truyền thông dữ liệu như TCP (Transmission Control Protocol) và UDP (User Datagram Protocol) được sử dụng để đảm bảo việc truyền tải dữ liệu một cách tin cậy và hiệu quả trong mạng máy tính.
Xem thêm: Truyền thông đa phương tiện là gì? Học ra làm những công việc gì?
Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì?
Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (Computer Networking & Data Communication) là lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng nhằm tìm hiểu và phát triển các nguyên lý kỹ thuật cũng như công nghệ liên quan đến kết nối và truyền thông giữa các máy tính trong mạng.
Ngành này tập trung vào việc nghiên cứu và thiết kế các hệ thống mạng, từ mạng nội bộ (Local Area Network – LAN) đến mạng diện rộng (Wide Area Network – WAN) với kết nối mạng trên phạm vi lớn, thậm chí kết nối toàn cầu.
Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu cũng nghiên cứu về cách thức trao đổi thông tin giữa các thành phần trong mạng, bao gồm: Các giao thức truyền tải dữ liệu, quản lý lưu lượng mạng, định tuyến (routing), chuyển tiếp (switching), bảo mật và quản lý mạng.
Ngoài ra, ngành này còn liên quan đến phát triển ứng dụng mạng, bao gồm ứng dụng web, ứng dụng truyền hình trực tuyến, trò chơi trực tuyến và các ứng dụng di động. Nghiên cứu về xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và tính toán hiệu năng cao cũng là một phần quan trọng trong ngành này, nhằm tối ưu hóa việc xử lý dữ liệu và tính toán trên các hệ thống mạng lớn và phức tạp.
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu học gì?
Tại Việt Nam, có nhiều trường đại học, học viện có chương trình đào tạo Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (với mã ngành là 7480102).
Tổng quan chương trình học Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu
Chương trình học ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu sẽ trang bị cho người học những kiến thức chuyên ngành quan trọng như:
- Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
- An toàn mạng
- Giao thức và mạng máy tính, tính toán không dây
- Lập trình mạng máy tính
- Tính toán và lập trình song song
- Mạng đa phương tiện và di động
- Kiến trúc vi xử lý, kiến trúc internet
- Truyền tải dữ liệu, phân tích lưu lượng mạng
- Giải thuật phân tán & song song
- Xử lý ngôn ngữ tự nhiên & xử lý big data.
Thông qua chương trình học này, sinh viên sẽ được nắm vững các nguyên tắc cơ bản về mạng máy tính, cách thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống mạng hiệu quả, đồng thời nắm được các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này.
Xem thêm: Tổng Quan Về Lập Trình Mạng – Những Kiến Thức Cơ Bản Cần Nắm Rõ
Song song với đó, chương trình học cũng tập trung vào khai thác tiềm năng của mạng máy tính và dữ liệu lớn. Sinh viên sẽ được đào tạo về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phân tích lưu lượng mạng để hiểu và tận dụng thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Tham khảo chương trình đào tạo tại Đại học Tôn Đức Thắng
Tại Đại học Tôn Đức Thắng, chương trình đào tạo chuyên ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu được chia ra làm 4 phần chính. Trong đó, mỗi phần sẽ có những môn học tương ứng như sau
Phần kiến thức đại cương
- Những nguyên lý cơ bản Mác – Lênin
- Đường lối cách mạng của Đảng
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Giáo dục quốc phòng
- Phương pháp học đại học
- Kỹ năng viết và trình bày
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Kỹ năng phát triển bền vững
- Pháp luật đại cương
- Tiếng Anh 1, 2, 3
- Giáo dục thể chất
- Giải tích ứng dụng cho Công nghệ thông tin (CNTT)
- Đại số tuyến tính cho CNTT
- Xác suất & thống kê ứng dụng cho CNTT
Phần kiến thức ngành
Sinh viên sẽ được học về phương pháp lập trình, cấu trúc rời rạc, cấu trúc dữ liệu và giải thuật 1, tổ chức máy tính, nhập môn hệ điều hành, nhập môn mạng máy tính và thực tập.
Sau khi nắm được các kiến thức cơ bản, sinh viên sẽ phải học phần kiến thức chuyên ngành bắt buộc và tự chọn. Kiến thức chuyên ngành bắt buộc bao gồm các môn như sau:
- Toán tổ hợp và đồ thị
- Giao thức và Mạng máy tính
- Lập trình mạng căn bản
- Cấu trúc dữ liệu và giải thuật 2
- Nhập môn Bảo mật máy tính
- Bảo mật mạng
- Dự án CNTT 1
Trong học phần chuyên ngành tự chọn, sinh viên sẽ chọn theo học các môn theo danh sách sau đây:
STT | Môn học | STT | Môn học |
1 | Nhập môn Trí tuệ nhân tạo | 20 | An toàn mạng không dây & di động |
2 | Nhập môn Xử lý ảnh số | 21 | Công nghệ phần mềm |
3 | Phát triển HTTT doanh nghiệp | 22 | Giải thuật phân tán và song song |
4 | Phát triển phần mềm trên nền tảng tiến hóa | 23 | Hệ cơ sở dữ liệu |
5 | Phát triển ứng dụng di động | 24 | Hệ thống hỗ trợ truyền thông liên tục |
6 | Phân tích hiệu suất hệ thống máy tính | 25 | Hệ thống phát hiện xâm nhập mạng |
7 | Phân tích lưu lượng mạng | 26 | Hệ thống thương mại thông minh |
8 | Phân tích và thiết kế yêu cầu | 27 | Khai thác dữ liệu và Khai phá tri thức |
9 | Quản trị HTTT | 28 | Kiến trúc Internet |
10 | Nhập môn Học máy | 29 | Kiến trúc máy tính nâng cao |
11 | Xử lý văn bản trên Web | 30 | Kiến trúc vi xử lý đa nhân |
12 | Tính toán không dây | 31 | Lập trình song song & đồng thời |
13 | Tính toán song song | 32 | Lập trình web & ứng dụng |
14 | Trò chơi di động | 33 | Mạng đa phương tiện & di động |
15 | Truyền dữ liệu | 34 | Mạng máy tính nâng cao |
16 | Xử lý dữ liệu lớn | 35 | Mô hình không chắc chắn |
17 | Xử lý ngôn ngữ tự nhiên | 36 | Nhập môn Bảo mật thông tin |
18 | Nhập môn các hệ thống phân tán |
Cùng với đó, sinh viên sẽ có 2- 4 tháng thực tập tại doanh nghiệp trong vai trò nhân viên/kỹ sư và tham gia kỳ thi kỹ năng thực hành chuyên môn.
Thông tin tuyển sinh ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
Nếu đã hiểu rõ ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì và yêu thích ngành này, bạn cần tìm hiểu thêm về thông tin tuyển sinh để có kế hoạch học tập cụ thể.
Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu được coi là một ngành “khát nhân lực” nên nhu cầu đào tạo chính quy cũng rất cao. Nhiều trường đại học, học viện ở 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có chương trình đào tạo và tuyển sinh ngành này trong năm 2023.
Khối thi
Ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu xét tuyển các tổ hợp môn sau:
STT | Tổ hợp môn | Khối |
1 | Toán – Lý – Hóa học | A00 |
2 | Toán – Lý – Tiếng Anh | A01 |
3 | Toán – Văn – Tiếng Anh | D01 |
4 | Toán – Hóa học – Tiếng Anh | D07 |
5 | Ngữ văn – Toán – Hóa | C02 |
6 | Ngữ văn – Toán – Vật lý | C01 |
Các trường đào tạo và điểm chuẩn 2022
Dưới đây là danh sách các trường đào tạo ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kèm theo điểm chuẩn và tiêu chi thi/xét tuyển:
STT | Tên trường | Hình thức xét | Điểm chuẩn |
1 | ĐH Cần Thơ | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 24.25 |
Học bạ | 27.5 | ||
2 | ĐH CNTT & TT – Đại Học Thái Nguyên | Xét học bạ ĐTB cả năm lớp 12 | 6 |
Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 17 | ||
Xét học bạ theo tổ hợp lớp 12 hoặc ĐTB 3 học kỳ | 18 | ||
3 | ĐH Công Nghệ – ĐH Quốc Gia Hà Nội | chất lượng cao | 23 |
CLC tốt nghiệp THPT | 24 | ||
4 | ĐH Công nghệ GTVT | Học bạ | 24 |
TTNV<=3, Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 24.05 | ||
5 | ĐH CNTT – Đại Học Quốc Gia TPHCM | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 26.3 |
DGNLHCM | 810 | ||
7 | ĐH Công Nghiệp Hà Nội | Tiêu chí phụ 1 Điểm Toán ≥ 8.4Tiêu chí phụ 2 TTNV ≤5 | 24.65 |
8 | ĐH Dân Lập Duy Tân | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 14 |
9 | ĐH Gia Định | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 15 |
Học bạ | 16.5 | ||
DGNLHCM | 600 | ||
10 | ĐH Giao Thông Vận Tải TPHCM | TN THPT | 15 |
Học bạ | 22 | ||
11 | ĐH Hoa Sen | Học bạ | 6 |
Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 15 | ||
DGNLHCM | 600 | ||
12 | ĐH Nguyễn Tất Thành | Học bạ | 6 |
Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 15 | ||
Đánh giá năng lực ĐH Quốc gia HCM (DGNLHCM) | 70 | ||
DGNLHCM | 550 | ||
13 | ĐH Quốc Tế Miền Đông | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 15 |
Học bạ | 18 | ||
DGNLHCM | 600 | ||
14 | ĐH Thăng Long | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 24 |
DGNLHCM | 85 | ||
15 | ĐH Tôn Đức Thắng | Xét học bạ Toán*2 | 34.5 |
Toán*2 Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 34.5 | ||
DGNLHCM | 800 | ||
16 | Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam | Điểm thi tốt nghiệp cấp 3 | 17 |
Xem thêm: Lập Trình Viên Học Trường Nào Tốt Ở Việt Nam?
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu ra làm gì? Lương cao không?
Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường. Một số công việc hot trong ngành có thể kể đến như:
Kỹ sư mạng máy tính/ Kỹ sư an ninh mạng
Nếu làm kỹ sư máy tính, bạn có thể kiếm được trung bình 8 – 15 triệu/tháng. Sau 1 – 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng, bạn có thể nhận được mức lương từ 13 – 18 triệu/tháng/ Với kinh nghiệm trên 5 năm, mức lương cao hơn, khoảng 20 – 30 triệu/tháng.
>>> Xem chi tiết: Mức lương ngành an ninh mạng hiện nay cao hay thấp?
Quản trị mạng và hệ thống
Mức lương nhân viên quản trị mạng dao động trong khoảng 6 – 10 triệu/tháng (dưới 3 năm kinh nghiệm) và có thể tăng lên khoảng 15 triệu/tháng. Mức thu nhập trung bình của chuyên viên quản trị mạng, hệ thống là từ 8 – 13 triệu/tháng và có thể cao hơn, khoảng 20 – 25 triệu/tháng.
Nhân viên IT
Nhân viên kỹ thuật máy tính hoặc đảm nhiệm IT phần cứng mạng khi mới ra trường sẽ đạt mức lương trung bình từ 7 – 10 triệu/tháng. Khi đã có kinh nghiệm, mức thu nhập sẽ tăng lên theo và cao nhất là khoảng 30 triệu/tháng.
>>> Xem ngay: Nhân viên IT là gì? Cơ hội việc làm ngành IT ở Việt Nam
Kỹ sư hệ thống
Với vai trò kỹ sư hệ thống, bạn có thể nhận mức lương trung bình từ 9 – 16 triệu/tháng, cao nhất là khoảng 25 – 30 triệu/tháng.
Lập trình viên
Tốt nghiệp ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, bạn có thể làm kỹ sư lập trình. Mức lương của lập trình viên thường nằm trong khoảng 8 – 15 triệu/tháng, có thể tăng lên đến 40 triệu/tháng nếu có năng lực và kinh nghiệm.
>>> Xem ngay: Muốn làm lập trình viên học ngành gì là phù hợp nhất?
Nghiên cứu, giảng dạy
Nếu bạn có thành tích học tập xuất sắc và khả năng truyền đạt tốt, bạn có thể theo đuổi công việc nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực này và trở thành chuyên gia, giảng viên tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
Ngoài ra, còn nhiều cơ hội việc làm khác như chuyên viên phân tích dữ liệu, tester,… Tuy nhiên, mức lương có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, vị trí công việc, và quy mô doanh nghiệp.
Cần có tố chất và kỹ năng gì để thành công trong ngành
Tố chất cần có để thành công trong ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì? Đây là băn khoăn của không ít các bạn học sinh. Hãy xem bạn đã có đủ những tố chất và kỹ năng sau đây hay chưa nhé!
Kỹ năng lập trình
Lập trình là một kỹ năng quan trọng trong ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Bạn cần thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình như Python, Java, C++, để xây dựng cũng như vận hành các ứng dụng và giải pháp mạng. Có kỹ năng lập trình tốt giúp bạn tối ưu hóa hiệu suất và tùy chỉnh các giải pháp mạng theo từng yêu cầu cụ thể.
Xem thêm: Ngôn Ngữ Lập Trình Python Là Gì? Ứng Dụng Của Ngôn Ngữ Python
Tư duy logic và phân tích
Để giải quyết các vấn đề phức tạp trong mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, bạn cần có tư duy logic và khả năng phân tích tốt. Những kỹ năng này giúp bạn phát hiện và giải quyết các vấn đề mạng, tìm ra nguyên nhân gây lỗi và thiết kế các giải pháp mạng tối ưu.
Kỹ năng làm việc nhóm
Khi tiến hành các dự án liên quan đến mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, bạn sẽ phải làm việc với các chuyên gia, quản lý dự án và người dùng cuối. Do đó, khả năng giao tiếp, lắng nghe và làm việc nhóm rất cần thiết để xây dựng và duy trì hiệu quả của công việc.
Khả năng học tập liên tục
Các công nghệ trong lĩnh vực mạng máy tính và truyền thông dữ liệu thay đổi vô cùng nhanh chóng. Vì thế, bạn cần có khả năng học tập liên tục để trau dồi kiến thức mới nhất và theo kịp xu hướng công nghệ. Sẵn sàng học hỏi và nâng cao kỹ năng sẽ giúp bạn thành công trong ngành này.
Tư duy sáng tạo & kỹ năng giải quyết vấn đề
Để đưa ra các giải pháp mạng hiệu quả cao, bạn cần có tinh thần sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Những kỹ năng/ tố chất này cũng giúp bạn tìm ra những giải pháp tối ưu để vượt qua những khó khăn trong công việc.
Xem thêm: Kỹ thuật điện tử viễn thông là gì? Tìm hiểu từ A-Z về ngành học này
Kết luận
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu ngày càng trở nên không thể thiếu trong thời đại số ngày nay. Để thành công theo đuổi ngành này, trước hết bạn phải nắm vững mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là gì, thi khối nào, chương trình học ra sao…
Bằng cách hiểu rõ về ngành, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng “dấn thân”. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm những kinh nghiệm và kiến thức về mạng máy tính và truyền thông dữ liệu bằng cách truy cập TopCV. Đây là nền tảng tuyển dụng và việc làm đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ tạo CV, kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Chúc bạn may mắn và thành công.