6 chiếc mũ tư duy là phương pháp nâng cao khả năng tư duy, được dùng trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, giáo dục đến cuộc sống hàng ngày. Vậy 6 chiếc mũ tư duy là gì và cách áp dụng ra sao? Hãy cùng TopviecIT tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
6 chiếc mũ tư duy là gì? Đặc điểm của từng chiếc mũ
6 chiếc mũ tư duy là quyển sách nổi tiếng của bác sĩ, tiến sĩ, nhà tâm lý học Edward de Bono. Trong đó, ông đề cập đến 6 chiếc mũ với 6 màu sắc khác nhau, mỗi chiếc lại đại diện cho một cách suy nghĩ, một vai trò trong quá trình giải quyết vấn đề. Phương pháp này giúp người áp dụng có góc nhìn đa chiều và toàn diện, từ đó đưa ra các quyết định thông minh và hợp lý.
Để hiểu rõ hơn 6 chiếc mũ tư duy là gì, chúng ta hãy cùng khám phá đặc điểm của từng chiếc mũ sau đây:
Mũ trắng – Thông tin và dữ liệu
Là chiếc mũ đại diện cho tư duy về mặt dữ liệu và thông tin. Người đội mũ trắng sẽ tập trung thu thập, phân tích dữ liệu, thông tin, minh chứng khách quan của một vấn đề hay sự việc nào đó. Những người có tư duy mũ trắng thường khá lý trí, logic, không đưa ra các ý kiến đánh giá chủ quan.
Mũ vàng – Tích cực và cơ hội
Chiếc mũ vàng đại diện cho sự tích cực trong 6 chiếc mũ tư duy. Mũ vàng giúp chúng ta tìm ra các lợi ích, ưu điểm, tiềm năng của một vấn đề hoặc giải pháp. và Người mang mũ vàng thường là những người biết cách tận dụng cơ hội và tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhất.
Mũ đen – Phân tích và đánh giá
Trái ngược với mũ vàng, tư duy mũ đen lại tập trung phân tích và đánh giá các khía cạnh tiêu cực, khó khăn, hạn chế, nhược điểm. Tư duy này cũng giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và tránh mắc phải sai lầm. Từ các khuyết điểm, rủi ro vừa tìm được, bạn có thể tự điều chỉnh.
Mũ đỏ – Cảm xúc và trực giác
Trong 6 chiếc mũ tư duy, mũ đỏ đại diện cho lối suy nghĩ cảm tính, dựa vào trực giác thay vì các thông tin cụ thể. Người đội mũ đỏ sẽ thích đưa ra các đánh giá, phát biểu dựa trên cảm nhận, cảm xúc, ý kiến cá nhân. Lối tư duy này giúp bạn dễ dàng đồng cảm, thấu hiểu cho những phản ứng, quyết định của người khác.
Mũ xanh lá – Sáng tạo và giải pháp
Chiếc mũ xanh lá thể hiện sự sáng tạo, phát triển mạnh mẽ nhất trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Người đội mũ xanh lá sẽ thích đề xuất các ý tưởng mới, độc đáo, táo bạo, thoát ra những khuôn khổ cũ và nhàm chán. Với tư duy này, bạn sẽ luôn tìm thấy các giải pháp mới, thú vị cho mọi vấn đề trong cuộc sống.
Mũ xanh dương – Quản lý và điều phối
Tư duy 6 chiếc mũ sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi chiếc mũ xanh dương – đóng vai trò tổng hợp ý kiến và đưa ra quyết định cuối cùng. Mũ xanh dương là người điều phối và quản lý quá trình tư duy, đảm bảo mọi vấn đề đã được giải quyết, xử lý hiệu quả và phù hợp với mục tiêu chung của nhóm.
Cách ứng dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy hiệu quả
Để áp dụng thành công phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, Tiến sĩ Edward de Bono khuyến khích mỗi chúng ta nên lần lượt đội và đánh giá vấn đề qua từng chiếc mũ. Lúc này, bạn sẽ được tiếp cận tình huống dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó tìm ra nhiều giải pháp phù hợp và hữu ích.
Bên cạnh đó, phương pháp 6 chiếc mũ tư duy sẽ trở nên hiệu quả hơn khi bạn thực hiện theo các bước cụ thể bên dưới:
- Bước 1 – Xác định mục tiêu, thu thập dữ liệu: Đây là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Người đội mũ trắng sẽ bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm mọi thông tin liên quan đến vấn đề, bao gồm: số liệu, báo cáo, thống kê, đánh giá, ý kiến, v.vv..
- Bước 2 – Đưa ra các giải pháp sáng tạo: Dựa vào dữ liệu vừa tìm được, mũ xanh lá sẽ tìm kiếm các giải pháp và đưa ra thật nhiều ý kiến khác nhau. Ở bước này, chúng ta có thể tìm thấy các tư duy mới mẻ, đột phá nhằm giải quyết sự việc một cách hiệu quả.
- Bước 3 – Phân tích ưu, nhược điểm của giải pháp: Trong 6 chiếc mũ tư duy, mũ vàng và mũ đen giúp chúng ta đánh giá khách quan về các lợi ích đạt được hay rủi ro dễ gặp phải của một giải pháp. Bước này cũng giúp chọn lọc được các phương án hiệu quả và khả thi hơn.
- Bước 4 – Đánh giá các phương án bằng cảm xúc: Hãy dùng chiếc mũ đỏ để đưa ra các nhận xét, đánh giá bằng trực giác về vấn đề liên quan. Đây là bước giúp bạn hình dung ra cảm xúc của người khác khi nghĩ đến các giải pháp và xem xét về độ phù hợp của các phương án này.
- Bước 5 – Tổng hợp, đúc kết phương án cuối cùng: Đây cũng là bước cuối cùng trong quá trình áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Người đội mũ xanh dương sẽ tiếp nhận, tổng hợp và lựa chọn phương án phù hợp nhất với mục tiêu của vấn đề và khả năng thực hiện của nhóm.
Ví dụ cụ thể về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy thường được sử dụng khi đưa ra các quyết định nhóm. Bằng cách xem xét các quan điểm khác nhau, đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ, các nhóm có thể phát triển đa dạng giải pháp và tìm ra phương án tối ưu nhất. Dưới đây là một số ví dụ về 6 chiếc mũ tư duy mà bạn có thể tham khảo:
Trong doanh nghiệp
Ví dụ 1: Công ty A muốn tăng doanh số bán hàng nên quyết định thay đổi chiến lược marketing. Trong tình huống này, công ty có thể áp dụng tư duy 6 chiếc mũ theo gợi ý sau:
- Người quản lý dự án sẽ đội mũ xanh dương để tiếp nhận các thông tin từ ban lãnh đạo, lập kế hoạch và vạch ra các nhiệm vụ, mục tiêu cần thực hiện. Sau đó, mũ xanh dương cũng phân chia công việc cho các thành viên trong nhóm.
- Nhân viên đảm nhận mũ trắng sẽ chịu trách nhiệm thu thập tất cả các thông tin liên quan về đối thủ cạnh tranh, hành vi khách hàng, xu hướng thị trường, doanh thu bán hàng, v.vv.. từ nhiều nguồn khác nhau.
- Tiếp đến, nhóm mũ xanh lá sẽ dựa vào các thông tin trên để đưa ra các ý tưởng sáng tạo, đột phá để cải thiện doanh số của công ty. Một số phương án hữu ích có thể là: cải tiến thiết bị, thay đổi bao bì, thay đổi đơn vị vận chuyển, tạo chương trình khuyến mãi, v.vv..
- Các thành viên trong nhóm lần lượt mang mũ vàng và đen để chỉ ra những ưu, nhược điểm của từng phương pháp. Chẳng hạn việc thay đổi bao bì mới có thể thu hút nhiều khách hàng hơn nhưng cũng tốn khá nhiều chi phí.
- Mọi người sử dụng chiếc mũ đỏ để đưa ra các đánh giá về mặt cảm xúc, xem xét tính khả thi của từng phương án. Đây là một bước quan trọng trong quy trình 6 chiếc mũ tư duy để đảm bảo các giải pháp sẽ giúp công ty nâng cao doanh số bán hàng.
- Cuối cùng, người quản lý mũ xanh sẽ tổng hợp các ý kiến, chốt phương án cuối cùng và trình bày ý tưởng lên ban giám đốc.
Ví dụ 2: Công ty B muốn thay đổi thiết kế của dòng sản phẩm mới để mang đến sự độc đáo, mới lạ, và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Cách áp dụng 6 chiếc mũ tư duy trong tính huống này như sau:
- Thành viên đảm nhận mũ trắng sẽ thu thập các thông tin liên quan, bao gồm: thiết kế cũ của sản phẩm, ưu và nhược điểm của thiết kế cũ, thiết kế sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, xu hướng thiết kế mới nhất, v.vv..
- Các thành viên đội mũ xanh lá đóng góp ý tưởng dựa trên những dữ liệu đã tổng hợp được. Mọi người có thể đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận như: nên thay đổi hoàn toàn hay chỉ chỉnh sửa một số chi tiết ở thiết kế cũ? Thiết kế mới có phù hợp với xu hướng thị trường không? v.vv..
- Tiếp tục sử dụng mũ đen và mũ vàng trong quy tắc 6 chiếc mũ tư duy, các thành viên sẽ chỉ ra được những mặt tốt và chưa tốt của từng thiết kế.
- Sau khi chọn lọc được phương án ưng ý, hãy dùng mũ đỏ để đánh giá lại một lần nữa về cảm giác, cảm xúc khi các thiết kế được thực hiện. Ví dụ cả nhóm cho rằng bản số 1 sẽ đẹp nhưng khách hàng lại không thấy như vậy.
- Cuối cùng, dùng mũ xanh dương để tổng kết lại các ý tưởng đã được đưa ra sau khi phân tích lợi ích, hạn chế, đánh giá cảm nhận. Thiết kế hoàn hảo nhất sẽ được chắt lọc từ tất cả các bước trên.
Trong cuộc sống
Ví dụ: Một nhóm bạn đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch, mọi người muốn đến các địa điểm mới lạ, khung cảnh đẹp, đồ ăn ngon nhưng vẫn phải tiết kiệm chi phí.
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy ví dụ trong việc lập kế hoạch du lịch sẽ được tiến hành theo các bước:
- Sử dụng chiếc mũ trắng để bắt đầu tìm kiếm thông tin liên quan đến chuyến đi, bao gồm: thời gian, số lượng thành viên, ngân sách dự kiến, các điểm du lịch giá rẻ, lịch trình tham quan, v.vv..
- Các thành viên trong nhóm dùng mũ xanh lá cây để đề xuất các phương án du lịch tiết kiệm nhưng vẫn được ăn ngon, check-in nhiều cảnh đẹp. Mọi người có thể cân nhắc đi theo tour, di chuyển bằng phương tiện cá nhân, săn vé xe/máy bay giá rẻ, v.vv..
- Lần lượt đánh giá những lợi ích, rủi ro có thể xảy ra khi lựa chọn từng phương án đã được nêu ra bằng cách sử dụng chiếc mũ vàng và đen. Ví dụ như đi du lịch theo tour có thể tiết kiệm chi phí nhưng không chủ động theo lịch trình mong muốn.
- Sau khi chọn được các phương án phù hợp, mọi người tiếp tục sử dụng mủ đỏ để đánh giá bằng cảm nhận về mức độ đáp ứng của từng giải pháp.
- Tổng hợp kết quả của buổi thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng.
Có thể thấy, 6 chiếc mũ tư duy là một công cụ hữu ích giúp chúng ta đánh giá mọi vấn đề một cách khách quan và sáng suốt. Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi với nhiều lĩnh vực như trong kinh doanh, trong đời sống và kể cả khi tìm việc. Hy vọng những chia sẻ kinh nghiệm trên đã giúp bạn hiểu thêm về tư duy mũ và có thể ứng dụng phương pháp này một cách hiệu quả.